
Đến nhà chị Trần Thị Bông ở đội 2, ấp 5, xã Đồng Tâm (Đồng Phú), chúng tôi xót xa trước hoàn cảnh của gia đình chị. Năm 2017, con trai đầu của chị - em Võ Kim Danh (năm nay 21 tuổi làm công nhân tại Khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, Đồng Nai) không may bị tai nạn khi trên đường về nhà trọ. Chấn thương quá nặng khiến em không còn khả năng nhận thức, sức khỏe yếu, không tự phục vụ sinh hoạt được. Gia đình chị phải bán 3 ha đất để lo chi phí chữa trị cho con. Hai em của Danh cũng phải nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. Bất hạnh liên tiếp bất hạnh khi em trai của Danh gặp tai nạn bị mù một mắt, hiện ở nhà.
Chị Bông chia sẻ: “Danh ngoan, hiền và có hiếu, học xong lớp 12 nói muốn đi làm công nhân để giúp ba mẹ lo cho 2 em. Làm công nhân xa nhà, tôi thường khuyên cháu giữ gìn sức khỏe, đừng tăng ca nhiều nhưng cháu nói còn trẻ nên phải cố gắng. Mất ngủ nhiều đêm nên khi trên đường về nhà trọ Danh đâm vào xe tải. Bao nhiêu tháng trời, cả nhà thay phiên đến bệnh viện chăm sóc Danh. Từ khi bán hết rẫy, cuộc sống càng khốn khó, vợ chồng tôi cũng chỉ đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy và thay phiên nhau ở nhà chăm sóc con. Tuy bác sĩ cho Danh về nhà để tiện chăm sóc nhưng vết thương cần phẫu thuật lần nữa để lắp hộp sọ giả bảo vệ não. Chi phí ca mổ chắc hơn trăm triệu đồng nhưng giờ gia đình không biết lấy đâu ra tiền để đưa Danh đi phẫu thuật...”.
Hàng xóm, người thân của chị Bông cũng đã hỗ trợ, cho mượn tiền nhiều, giờ gia đình không biết trông chờ vào đâu. Tiền làm thuê của cả nhà chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt tiết kiệm và chi phí đi lại tái khám cho Danh. Gia đình chị Bông rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để Danh sớm được điều trị.
Ông Nguyễn Trường Xuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đồng Tâm cho biết: Gia đình chị Trần Thị Bông là một trong những hoàn cảnh khó khăn hiện nay ở xã. Hội thường xuyên thăm hỏi, vận động giúp đỡ gia đình nhưng cũng chỉ được phần nào, rất mong sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Trần Thị Bông, đội 2, ấp 5, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú hoặc Quỹ tấm lòng vàng Báo Bình Phước, tài khoản số 65510000110461, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Bình Phước.
Quý Nhung
Nguồn Báo Bình Phước
Chị Nguyễn Thị Huệ (vợ anh Thanh) cho biết: “Ngày 2-12, chồng tôi đi làm thuê ở xã Lộc Thái (Lộc Ninh) đến tối mới về. Do trời tối anh ấy không nhìn rõ đường nên đi vào ổ gà, ngã chúi đầu xuống hố. Va đập quá mạnh nên anh bị thương nặng ở đầu, phải đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị. Kinh phí điều trị trong 2 ngày hết 70 triệu đồng, tôi chuẩn bị phải đóng thêm 25 triệu đồng viện phí”.
Hoàn cảnh gia đình anh Thanh rất khó khăn, không có đất sản xuất. Hằng ngày, chị Huệ làm rau câu đi bán dạo tại các khu dân cư trong xã Phước An. Cả gia đình sống trong căn nhà tình thương được xây dựng cách đây mấy năm. Do gia cảnh khó khăn, con gái lớn của anh chị phải nghỉ học sớm để phụ cha mẹ nấu cơm, chăm em.
Để có tiền cho chồng điều trị tại bệnh viện, những ngày này chị Huệ chi tiêu rất tiết kiệm. “Tôi canh tới giờ xuống cổng bệnh viện để xin cơm, xin cháo từ thiện. Tôi phải giữ gìn sức khỏe, ráng tiết kiệm để còn lo cho chồng. Tôi sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong anh khỏe mạnh về với vợ con” - chị Huệ chia sẻ.
Anh Thanh đang được điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình anh Thanh rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và cộng đồng để vượt qua khó khăn.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Thị Huệ, tổ 3, ấp 23 Lớn, xã Phước An, huyện Hớn Quản; ĐT: 01628123575.
N.An trích nguồn Báo Bình Phước
Ông Minh phải nghỉ bán vé số để chăm sóc vợ đang điều trị tại Bệnh viện Thánh Tâm
Ông Minh cho biết: “Vợ tôi bị bệnh động kinh từ hồi trẻ, sau khi sinh con gái thì bệnh càng nặng hơn, phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 ở Biên Hòa (Đồng Nai). Trước đây, tôi đã phải thế chấp nhà vay ngân hàng để lấy tiền chữa bệnh cho vợ, nợ nần nhiều nhưng bệnh chỉ thuyên giảm chứ chưa khỏi hẳn, thỉnh thoảng bà ấy lại lên cơn co giật, động kinh. Nay bà ấy phải nhập viện điều trị, tiền thuốc đều vay mượn của người quen, hàng xóm. Sau này gia đình tôi không biết phải xoay xở ra sao?”.
Ông Minh thở dài: “Là trụ cột gia đình, giờ tôi phải ở bệnh viện chăm sóc bà ấy, không thể đi bán vé số kiếm tiền. Vợ đau bệnh, con lớn mà chẳng khôn, các cháu nhỏ dại!”. Nói rồi ông quay vội mặt đi, lau nước mắt.
Gia đình ông Minh hiện rất khó khăn, cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng xã hội để vượt qua hoàn cảnh éo le.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Võ Quang Minh, khu phố 2, phường Long Phước, thị xã Phước Long.
N.An trích nguồn Báo Bình Phước
2 năm trước, kinh tế gia đình Tiến tạm ổn, ba đi làm phụ hồ, mẹ làm thuê. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn khi ba em không may bị tai nạn vào giữa năm 2016, bị đứt dây chằng ở chân phải điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống càng chật vật hơn khi đầu năm 2017, ba của Tiến bị ung thư thực quản giai đoạn cuối. Thời gian ba đi điều trị bệnh cũng là lúc Tiến bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Nhiều khi bữa trưa chỉ có gói mì lót dạ để đến trường nhưng em không nản chí, cố gắng ôn luyện bài vở mong đổi đời từ con đường đèn sách.
Em Nguyễn Văn Tiến (thứ hai từ trái qua)
Kết quả đáng mừng là Tiến đã đậu Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh ngành Cơ điện lạnh và Trường cao đẳng Cao Thắng TP. Hồ Chí Minh ngành Sửa chữa ôtô. Tiến cho biết: “Ngay từ nhỏ, em rất thích tìm tòi sửa chữa các thiết bị điện. Năm học lớp 3 em đạt giải tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện, những năm sau đó do điều kiện gia đình khó khăn nên em không đầu tư để tham gia cuộc thi nữa”. Ông Nguyễn Văn Thu, ba của Tiến kể: “Những thiết bị trong nhà liên quan đến điện nếu bị hư hỏng đều do Tiến tự tay sửa chữa. Những lúc rảnh Tiến còn đi phụ giúp sửa chữa đồ điện tại một số tiệm đồ điện ở chợ Lộc Ninh. Biết Tiến sửa được đồ điện nên nhiều người thân quen cũng đem đến cho Tiến “làm giùm” khi thì nồi cơm điện hay quạt bị hỏng”.
Khi được hỏi về việc theo đuổi ước mơ của mình, Tiến nói: “Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó không đủ điều kiện theo học đại học nên em chọn học Trường cao đẳng Cao Thắng để vừa học vừa vững tay nghề sửa chữa ôtô”. Những ngày này khi chưa nhập học (ngày 25-9-2017 nhập học) Tiến phụ việc tại gara Dũng ở xã Lộc Thái. Tuy không có lương nhưng với Tiến đây là môi trường để em trải nghiệm thực tế công việc mình yêu thích. Khó khăn nhất của em hiện nay là chưa có tiền đóng học phí. Cô Nguyễn Thị Huệ, Hiệu phó Trường THPT Lộc Ninh cho biết: Với hoàn cảnh của học sinh Nguyễn Văn Tiến, trường đã xét từ nguồn Quỹ “Tiếp sức đến trường” tặng học bổng cho em trị giá 3 triệu đồng, đồng thời kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của giáo viên, học sinh và các nhà hảo tâm giúp em tiếp bước đến giảng đường”.
Gia đình Tiến là hộ nghèo, ba thường xuyên phải đi bệnh viện nên tốn kém, trong khi mẹ làm lao động tự do, chị gái làm công nhân thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải phí sinh hoạt và điều trị. Em Nguyễn Văn Tiến đang rất cần sự quan tâm, sẻ chia của các nhà hảo tâm gần xa để thực hiện ước mơ của mình.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Văn Tiến, khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh.
N.An trích nguồn Báo Bình Phước
Gia đình bà Hoàng Thị Huệ rất cần được giúp đỡ
CHUỖI NGÀY BUỒN KHỔ
56 năm qua, nghèo khổ vẫn “đeo bám” cuộc đời bà Hoàng Thị Huệ. Dù chừng đó năm bà luôn bươn chải, xoay đủ cách để vươn lên. Bà Huệ đang mắc bệnh hoại tử đại tràng, đã phẫu thuật đưa hậu môn ra bên hông nên phải nằm một chỗ. Không có tiền phẫu thuật lại nên bà đành chịu đựng những cơn đau hành hạ. “Trước đây, tôi chưa bao giờ biết nghỉ ngơi, lại càng không biết đến viên thuốc. Vậy mà khi đổ bệnh lại “vật” tôi suy sụp đến thế. “An dưỡng” từ đầu năm đến giờ, nhưng tôi sợ, chỉ ước ao được đi lại như trước. Tôi vốn là trụ cột gia đình, giờ nằm đây thành cột mục mất rồi...” - bà Huệ than thở.
Bà Huệ theo người bà con vào Bình Phước khi còn rất nhỏ. Sau đó, bà đi lạc, mất hết giấy tờ nên xin ở luôn trong một gia đình từ Quảng Bình vào lập nghiệp. Ông bà chủ thương tình cho bà ở nhờ, cùng họ lao động kiếm cơm ăn qua ngày...
Đến năm 1984, thương bà Huệ cần cù, chịu khó nên họ gán ghép bà cho con trai là ông Nguyễn Xuân Hiếu (cùng tuổi) nên duyên vợ chồng và cho ra ở riêng. Biết ông Hiếu “khờ khờ” nhưng với hoàn cảnh không may mắn, bà đành chấp nhận để có người nương tựa về sau. Có 1 sào đất “cắm dùi” của ba mẹ chồng cho nhưng đông con và tới 3 đứa “có lớn mà không có khôn” nên ông bà lam lũ quanh năm vẫn không cất nổi căn nhà. Năm 2003, chính quyền xã Tiến Thành xây cho gia đình bà căn nhà tình thương. Đến nay, căn nhà xuống cấp, mái hỏng nhiều chỗ khiến họ luôn phải co cụm lại tìm chỗ trú mỗi khi trời mưa.
Con trai đầu Nguyễn Quang Trung (31 tuổi) đã lập gia đình riêng và mưu sinh ở xa. Cuộc sống công nhân khó khăn nên ít giúp đỡ được cha mẹ. Cậu út Nguyễn Anh Tuấn (2001) học tại Trường cao đẳng công nghiệp cao su đang nguy cơ thất học nếu bệnh tình mẹ ngày càng nặng. Con gái Nguyễn Thị Hòa, tuy 27 tuổi, “khôn” hơn 2 cô em là biết thay bỉm, tã cho mẹ; cắm được nồi cơm điện nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, xe đạp không biết đi. Đặc biệt, 2 chị em song sinh Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Phước đã sang tuổi 20 nhưng vẫn như đứa trẻ lên 7, không thể đỡ đần cha mẹ việc gì.
NƯƠNG NHỜ NHỮNG TẤM LÒNG HẢO TÂM
Giờ thành trụ cột thay vợ nhưng hằng ngày cần mẫn đi lượm ve chai, ông Hiếu cũng chỉ kiếm được 30-40 ngàn đồng. Thỉnh thoảng vợ chồng anh Trung dành dụm cũng chỉ giúp ba mẹ được bao gạo, chai nước tương.
Cuối tháng 8 vừa qua, biết hoàn cảnh đáng thương của bà Huệ, Hội Bảo trợ, người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo phối hợp với nhiều nhà hảo tâm, Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng” và lãnh đạo xã Tiến Thành quyên góp được 138 triệu đồng, giúp gia đình bà Huệ phần nào bớt khốn khó. Nhận thấy sức khỏe đã quá yếu, không cáng đáng nổi việc nặng nhọc, làm thuê nên theo đề nghị, gia đình bà được UBMTTQVN xã Tiến Thành mua giúp một cặp bò gây vốn từ số tiền quyên góp. Số tiền còn lại gửi tiết kiệm để giúp bà có điều kiện sửa nhà và chữa bệnh.
Hiện gia đình bà Huệ rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Rất mong các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện gần, xa tiếp tục chung tay giúp đỡ để không chỉ bà Huệ có cơ hội chữa lành bệnh mà cậu con út Nguyễn Anh Tuấn được tiếp tục đi học, có nghề nghiệp sau này làm chỗ dựa cho ba mẹ và 3 người chị.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Bà Hoàng Thị Huệ, xóm 3, ấp Suối Cam, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài hoặc Quỹ tấm lòng vàng Báo Bình Phước, tài khoản số 65510000110461, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Bình Phước.
N.An trích nguồn Báo Bình Phước
Tiếp chúng tôi trong căn nhà người em họ cho mượn để ở, bà Nguyễn Thị Nhung rơm rớm nước mắt. Hoàn cảnh trớ trêu đã ập xuống gia đình bà cách đây 8 năm. Lúc đó, con bà là Đặng Thanh Phong bị tai nạn, bất tỉnh, toàn thân đa chấn thương. Bao nhiêu tài sản (nhà cửa, đất đai) bà Nhung đã bán hết để lo cho con những mong “còn người còn của”. Nhưng không may, Phong không thể hồi phục. Anh bị chấn thương đốt sống cổ dẫn đến liệt toàn thân. Lâu dần đôi chân của anh bị rút lên, không thể duỗi thẳng, trên người lúc nào cũng mang theo ống dẫn tiểu.
Ông Đức bị tai biến 2 năm, bà Nhung hằng ngày chăm sóc chồng, con bị liệt nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn
Vì bị liệt toàn thân nên mọi sinh hoạt của Phong đều nhờ vào mẹ. Bà Nhung luôn túc trực chăm sóc, an ủi con. Bị những cơn đau hành hạ, hầu như ngày nào Phong cũng phải uống thuốc giảm đau. Có ngày anh uống 2-3 lần nên thân thể càng yếu ớt, tiều tụy. Nhìn con như vậy, lòng bà Nhung quặn thắt. Hằng ngày, bà cố gắng lo cho con ăn uống, vệ sinh sạch sẽ để có thêm sức đề kháng. Nhờ tấm lòng của mẹ nên dù nằm liệt giường đã 8 năm nhưng nơi Phong ở không bốc mùi hôi tanh.
Phong bị tai nạn, cuộc sống gia đình thiếu thốn cơ cực. Năm 2015, nỗi bất hạnh một lần nữa đè nặng gia đình bà Nhung. Chồng bà, ông Đăng Văn Đức đang khỏe mạnh thì bị tai biến mạch máu não. Ông ngã quỵ tại sân nhà, may bà phát hiện đưa đi bệnh viện. Nhưng vì kinh tế khó khăn, bà lại đưa ông về nhà để tiện chăm sóc. Một mình lo cơm nước, vệ sinh cho chồng, con nên bà Nhung không làm được việc gì kiếm ra tiền. Thuốc thang cho cha con Phong đều nhờ vào sự hảo tâm của một vài phật tử ở thị xã Đồng Xoài. “Lâu lâu những người hảo tâm ghé cho gạo, muối và hỗ trợ ít tiền mua thuốc cho cha con nó, tôi cũng thấy an ủi trong lòng” - bà Nhung nghẹn ngào.
Phong bị liệt toàn thân đã hơn 8 năm
Do nằm liệt lâu ngày, trên người ông Đức đã xuất hiện nhiều vết hoại tử. Trí nhớ ông giảm sút, cả ngày chỉ nằm trên chiếc ghế bố và lấy chăn trùm kín toàn thân. Một tay chăm sóc chồng con bị bại liệt, bà Nhung cố giữ vững tinh thần để làm chỗ dựa cho cha con Phong. Nhìn mẹ vất vả, Phong rất đau lòng. Anh kể: Một ngày cuối năm 2009, em tăng ca đêm để trộn bê tông cho kịp công trình. Lúc tan ca đi về gần tới khu trạm điện, thuộc phường Tân Bình thì em bị té xuống hố sâu khoảng 3m. Chiếc xe honda rơi xuống đè lên người khiến em bất tỉnh. Gia đình đưa xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) chữa trị và em bị liệt toàn thân từ đó đến nay.
Bao nhiêu dự định tuổi trẻ, ước mơ về một mái ấm của riêng mình cũng tắt lịm, Phong khuyên người yêu đi lấy chồng. Ước mong lớn nhất của Phong lúc này là có thể hồi phục đôi tay, để vần bánh xe lăn và tự mình vệ sinh cá nhân. “Em biết chân mình đã rút lên cao, không thể duỗi thẳng trở lại. Biết chắc không thể có “phép màu” nên em chỉ ước hồi phục đôi tay - chỉ đôi tay thôi cũng được!” - Phong khao khát.
Gia đình Phong rất cần sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân từ thiện. Sự giúp đỡ về tinh thần, tài chính là món quà thiết thực nhất mà gia đình Phong mong muốn nhận được để có thêm điều kiện vượt qua những ngày tháng khó khăn này!
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Đặng Thanh Phong, tổ 2, khu phố Phước Tân, phường Tân Thiện (Đồng Xoài), ĐT: 01665160040.
N. An trích nguồn Báo Bình Phước