banner-ct-d

English Vietnamese
HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG "MỖI TỔ CHỨC, MỖI CÁ NHÂN GẮN VỚI MỘT ĐỊA CHỈ NHÂN ĐẠO"; PHONG TRÀO HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN "HIẾN GIỌT MÁU ĐÀO - TRAO ĐỜI SỰ SỐNG", "HIẾN MÁU CỨU NGƯỜI - MỘT NGHĨA CỬ CAO ĐẸP"

Hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ

 Bị liệt toàn thân do di chứng của tai nạn phải phẫu thuật não, hoàn cảnh của anh Nghiệp Đức Bằng (1983), ngụ ấp Phước Tâm, xã Tân Phước (Đồng Phú) rất khó khăn. Từ lao động chính, anh trở thành người thực vật. Vợ anh - chị Bùi Thị Nga phải nghỉ làm công nhân, ở nhà chăm sóc chồng, kinh tế vốn chật vật nay càng khó khăn hơn.

Anh Nghiệp Đức Bằng đang phải nằm một chỗ, kinh tế vốn chật vật nay càng khó khăn hơn

 

 

 

 

 

 

 

 

Anh Bằng và chị Nga lấy nhau được 10 năm và có 2 con, đứa lớn 9 tuổi, nhỏ 7 tuổi. Trước khi lập gia đình, anh Bằng bị tai nạn và phải phẫu thuật nuôi não, sau đó anh vẫn đi làm việc bình thường, công việc chính là thợ xây. Cách đây 5 tháng, anh Bằng bị sốt rồi liệt một tay. Vì không có tiền nên chị đưa anh đi khám qua loa. Thường bị chóng mặt nhưng anh Bằng vẫn cố gắng đi làm. Trong một lần làm hồ, anh bị ngất, đưa vào viện thì bị liệt toàn thân. Bác sĩ chẩn đoán anh bị liệt do di chứng phẫu thuật não. Chị Nga cho biết: “Nhà tôi mới thoát nghèo năm 2018. Tôi đi làm công nhân được 3 năm, giờ phải nghỉ ở nhà chăm chồng. Hai bên nội ngoại cũng nghèo khó nên không giúp đỡ được nhiều. Hiện anh Bằng sức khỏe rất yếu, tay chân teo tóp, không nói được, một bên mắt bị mù. Bác sĩ nói khả năng hồi phục của anh Bằng rất khó, giờ chỉ mong có tiền để mua thuốc bồi bổ cho anh”.

Anh Bằng hiện nằm một chỗ khi mới 36 tuổi. Ngôi nhà tình thương gia đình anh đang ở cũng do Đoàn thanh niên và UBND xã Tân Phước vận động được 35 triệu đồng từ các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng năm 2018.

Hoàn cảnh gia đình anh Bằng vô cùng khó khăn. Rất mong sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân để gia đình anh Bằng vượt qua khó khăn trước mắt.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ của gia đình anh Nghiệp Đức Bằng, ngụ ấp Phước Tâm, xã Tân Phước (Đồng Phú).

Nguồn Báo Bình Phước

Xin hãy tiếp thêm nghị lực cho sản phụ bị cắt tứ chi

Sản phụ Dương Thị Thắm hiện đang điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Tử thần đã rời xa, nhưng ác bệnh đã cướp đi rất nhiều phần cơ thể quan trọng của chị.

Sau hơn 1 năm lập gia đình, vợ chồng trẻ Trần Văn Tài (1991) - Dương Thị Thắm (1992) ở tổ 3, ấp 1, xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, ngập tràn hạnh phúc khi sinh được bé trai kháu khỉnh ngày 17-11-2018. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, mấy ngày sau, một bên ngực bị áp xe, đau nhức và đến ngày 1-12-2018 Thắm bắt đầu bị sốt. Thắm bị sốt nặng dần, đến ngày thứ 3 gia đình phải đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, rồi chuyển ngay sang Bệnh viện quốc tế Becamex.

Cán bộ Huyện đoàn Chơn Thành đến thăm hỏi Thắm tại Bệnh viện Chợ Rẫy

 

 

 

 

 

 

Phát hiện máu của Thắm bị nhiễm trùng rất nặng, nên Bệnh viện quốc tế Becamex cấp cứu đi bệnh viện Chợ Rẫy. Thắm bị suy gan, suy thận, suy tim, huyết áp chỉ còn 60, nên nguy cơ tử vong rất lớn. Bên cạnh cấp cứu tích cực, sự sinh tồn phụ thuộc rất lớn vào ý chí của Thắm. Quá trình lọc máu, do tim bị suy, mặc dù có công cụ hỗ trợ tim nhưng máu không thể đến được tất cả các bộ phận trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ bị hoại tử rất cao.

Sau 3 ngày nằm cấp cứu, lọc máu ở Bệnh viện chợ Rẫy, Thắm đã qua cơn nguy kịch, nhưng tứ chi ngày càng bị thâm đen, khô lại vì máu không đến được các chi. Bác sĩ nói phải cắt bỏ tứ chi ngay mới ngăn chặn hoại tử lan rộng dẫn đến tử vong. Lúc này vi rút độc còn gây lở loét khắp cơ thể, nhất là vùng bụng, hốc mũi, hốc mắt.

Anh Trần Văn Tài, chồng của Thắm xót xa: “Người khỏe mạnh bình thường cắt một chi đã nguy hiểm. Thắm là sản phụ mới sinh, cắt cả tứ chi khó vượt qua được, nên gia đình sợ Thắm bị sốc, chưa dám nói. Ai ngờ, sau khi tỉnh dậy, Thắm nghẹn ngào nước mắt nói “anh hãy làm thủ tục cắt tứ chi cho em đi””.

Hiện nay, Thắm đang được các bác sĩ, y tá Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình chăm sóc, tứ chi đã bị cắt sâu, nếu tiến triển tốt, qua tết dương lịch sẽ xuất viện.

Tứ chi của Thắm đã bị cắt sâu

 

 

 

 

 

 

Gia đình Thắm rất hạnh phúc vì giành lại được sự sống tưởng chừng đã mất. Tuy cơ thể không được hoàn thiện như trước, nhưng Thắm có sức trẻ, có nghị lực phi thường, quan trọng hơn là có người chồng yêu thương hết mực và cậu con trai kháu khỉnh tiếp thêm nghị lực sống.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập chính của hai vợ chồng là dán ốp lưng điện thoại (thuê mặt bằng ở thị trấn Chơn Thành), nên áp lực và trở ngại vô cùng to lớn hiện giờ chính là kinh phí điều trị. Tài cho biết: “Gia đình em mới lo vay mượn thanh toán tiền viện phí 3 ngày đầu lọc máu, lọc thận... hết gần 500 triệu đồng, còn từ đó đến nay (thuốc chữa trị hàng ngày, cắt bỏ tứ chi...) bệnh viện chưa báo số tiền cụ thể nên chưa biết”.

Bà Phùng Thị Thường, mẹ của Thắm cho biết thêm gia đình hai bên nội ngoại cũng eo hẹp về kinh tế. Bố của Thắm bị bệnh hơn 20 năm nay, phải có người chăm nom hằng ngày, còn gia đình bên chồng thì bố chồng làm thợ xây, mẹ chồng đi mua ve chai dạo. Do Thắm bị bạo bệnh, nên từ khi Thắm nằm viện đến nay, mẹ chồng ở nhà để chăm sóc cháu (con của Thắm).

Cuộc sống phía trước của Thắm sẽ rất khó khăn, trước mắt là một khoản tiền viện phí rất lớn, tiếp đến là nuôi con nhỏ trong điều kiện bản thân chưa thể tự chăm sóc mình, lại không có kinh tế và một khoản chi phí nữa cho phẫu thuật lắp tứ chi giả.

Để tiếp thêm nghị lực sống cho Thắm, rất mong các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm chia sẻ yêu thương, hỗ trợ để gia đình Thắm vượt qua bão tố.

Mọi sự giúp đỡ xin liên lạc với anh Tài - chồng chị Thắm, số điện thoại 0937629491, hoặc Hội chữ thập đỏ huyện Chơn Thành, số tài khoản 5610201001696 - Ngân hàng nông nghiệp chi nhánh huyện Chơn Thành.

Nguồn Báo Bình Phước

Anh Điểu Cui mong được giúp đỡ

 Anh Điểu Cui, SN 1978, dân tộc S’tiêng, ngụ thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, bị bệnh xơ gan, bụng trướng to, hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

 Chị Thị Khá, vợ anh Cui cho biết: Gia đình chị có 7 người, gồm 2 vợ chồng và 5 đứa con (lớn 16 tuổi, nhỏ 14 tháng tuổi) không có vườn rẫy, chỉ làm thuê sống qua ngày nên cuộc sống rất khó khăn.

Anh Điểu Cui đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

 

 

 

 

 

 

Ngày 7-11, Hội bếp cơm thiện nguyện Tâm Đức Bù Đăng biết tin đã vào thăm và hỗ trợ 2 triệu đồng để gia đình anh Cui thuê xe nhập viện. Bác sĩ Lê Thành Chung, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Chi phí của anh Cui tại bệnh viện khoảng 1 triệu đồng/ngày. Hiện bệnh trong giai đoạn cuối, việc điều trị mang tính kéo dài sự sống.

Gia đình anh Cui rất mong nhận được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp và cộng đồng, xã hội.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Thị Khá, thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Nguồn Báo Bình Phước

Chị Trần Thị Thanh Loan mong được giúp đỡ

Chị Trần Thị Thanh Loan, SN 1983, thường trú tổ 2, ấp Phú Miêng, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản hiện bị bệnh rất nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gia đình chị lại rất khó khăn nên việc điều trị cũng gặp nhiều trở ngại.

Chị Loan đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước trong tình trạng sức khỏe suy kiệt

 

 

 

 

 

 

Bác sỹ Lê Thành Chung, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Chị Loan bị nhiễm trùng huyết, thoát dịch mao mạch do bệnh vẩy nến gây ra, sức khỏe bị suy kiệt. Hiện chị Loan phải chi phí hơn 2 triệu đồng/ngày (tiền thuốc điều trị và các dịch vụ khác). Vì tình trạng bệnh nặng và sức khỏe yếu, bệnh viện chỉ định chuyển chị lên bệnh viện tuyến trên.

Bà Nguyễn Thị Tý, mẹ chị Loan cho biết: Chị Loan bị bệnh vảy nến từ nhiều năm qua. Do không có tiền điều trị nên ngày càng nặng, toàn thân tróc da, đau đớn, không đi lại được. Chồng chị bỏ đi để lại con trai 10 tuổi. Hoàn cảnh khó khăn, chị Loan và gia đình rất mong được các cấp chính quyền và xã hội quan tâm giúp đỡ.

Mọi chia sẻ xin gửi về địa chỉ: Trần Thị Thanh Loan, SN 1983, thường trú tổ 2, ấp Phú Miêng, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản.

Nguồn Báo Bình Phước

Cần lắm sự sẻ chia

Đến nhà chị Trần Thị Bông ở đội 2, ấp 5, xã Đồng Tâm (Đồng Phú), chúng tôi xót xa trước hoàn cảnh của gia đình chị. Năm 2017, con trai đầu của chị - em Võ Kim Danh (năm nay 21 tuổi làm công nhân tại Khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, Đồng Nai) không may bị tai nạn khi trên đường về nhà trọ. Chấn thương quá nặng khiến em không còn khả năng nhận thức, sức khỏe yếu, không tự phục vụ sinh hoạt được. Gia đình chị phải bán 3 ha đất để lo chi phí chữa trị cho con. Hai em của Danh cũng phải nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. Bất hạnh liên tiếp bất hạnh khi em trai của Danh gặp tai nạn bị mù một mắt, hiện ở nhà.

Chị Bông chia sẻ: “Danh ngoan, hiền và có hiếu, học xong lớp 12 nói muốn đi làm công nhân để giúp ba mẹ lo cho 2 em. Làm công nhân xa nhà, tôi thường khuyên cháu giữ gìn sức khỏe, đừng tăng ca nhiều nhưng cháu nói còn trẻ nên phải cố gắng. Mất ngủ nhiều đêm nên khi trên đường về nhà trọ Danh đâm vào xe tải. Bao nhiêu tháng trời, cả nhà thay phiên đến bệnh viện chăm sóc Danh. Từ khi bán hết rẫy, cuộc sống càng khốn khó, vợ chồng tôi cũng chỉ đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy và thay phiên nhau ở nhà chăm sóc con. Tuy bác sĩ cho Danh về nhà để tiện chăm sóc nhưng vết thương cần phẫu thuật lần nữa để lắp hộp sọ giả bảo vệ não. Chi phí ca mổ chắc hơn trăm triệu đồng nhưng giờ gia đình không biết lấy đâu ra tiền để đưa Danh đi phẫu thuật...”.

Hàng xóm, người thân của chị Bông cũng đã hỗ trợ, cho mượn tiền nhiều, giờ gia đình không biết trông chờ vào đâu. Tiền làm thuê của cả nhà chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt tiết kiệm và chi phí đi lại tái khám cho Danh. Gia đình chị Bông rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để Danh sớm được điều trị.

Ông Nguyễn Trường Xuân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đồng Tâm cho biết: Gia đình chị Trần Thị Bông là một trong những hoàn cảnh khó khăn hiện nay ở xã. Hội thường xuyên thăm hỏi, vận động giúp đỡ gia đình nhưng cũng chỉ được phần nào, rất mong sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Trần Thị Bông, đội 2, ấp 5, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú hoặc Quỹ tấm lòng vàng Báo Bình Phước, tài khoản số 65510000110461, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Bình Phước.

Quý Nhung

Nguồn Báo Bình Phước

 

Cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng

 Là lao động chính trong gia đình, anh Phạm Tiến Thanh (1970) ở ấp 23 Lớn, xã Phước An (Hớn Quản) hằng ngày vẫn chạy xe ra các xã ở huyện Lộc Ninh để làm thuê. Cuộc sống của gia đình bất ngờ bị đảo lộn khi anh Thanh gặp tai nạn gây chấn thương sọ não.

Chị Nguyễn Thị Huệ (vợ anh Thanh) cho biết: “Ngày 2-12, chồng tôi đi làm thuê ở xã Lộc Thái (Lộc Ninh) đến tối mới về. Do trời tối anh ấy không nhìn rõ đường nên đi vào ổ gà, ngã chúi đầu xuống hố. Va đập quá mạnh nên anh bị thương nặng ở đầu, phải đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị. Kinh phí điều trị trong 2 ngày hết 70 triệu đồng, tôi chuẩn bị phải đóng thêm 25 triệu đồng viện phí”.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Thị Huệ, tổ 3, ấp 23 Lớn, xã Phước An, huyện Hớn Quản; ĐT: 01628123575 

Hoàn cảnh gia đình anh Thanh rất khó khăn, không có đất sản xuất. Hằng ngày, chị Huệ làm rau câu đi bán dạo tại các khu dân cư trong xã Phước An. Cả gia đình sống trong căn nhà tình thương được xây dựng cách đây mấy năm. Do gia cảnh khó khăn, con gái lớn của anh chị phải nghỉ học sớm để phụ cha mẹ nấu cơm, chăm em.

Để có tiền cho chồng điều trị tại bệnh viện, những ngày này chị Huệ chi tiêu rất tiết kiệm. “Tôi canh tới giờ xuống cổng bệnh viện để xin cơm, xin cháo từ thiện. Tôi phải giữ gìn sức khỏe, ráng tiết kiệm để còn lo cho chồng. Tôi sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong anh khỏe mạnh về với vợ con” - chị Huệ chia sẻ.

Anh Thanh đang được điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình anh Thanh rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và cộng đồng để vượt qua khó khăn.

Nguồn Báo Bình Phước

Cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng

Là lao động chính trong gia đình, anh Phạm Tiến Thanh (1970) ở ấp 23 Lớn, xã Phước An (Hớn Quản) hằng ngày vẫn chạy xe ra các xã ở huyện Lộc Ninh để làm thuê. Cuộc sống của gia đình bất ngờ bị đảo lộn khi anh Thanh gặp tai nạn gây chấn thương sọ não.

Chị Nguyễn Thị Huệ (vợ anh Thanh) cho biết: “Ngày 2-12, chồng tôi đi làm thuê ở xã Lộc Thái (Lộc Ninh) đến tối mới về. Do trời tối anh ấy không nhìn rõ đường nên đi vào ổ gà, ngã chúi đầu xuống hố. Va đập quá mạnh nên anh bị thương nặng ở đầu, phải đưa đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị. Kinh phí điều trị trong 2 ngày hết 70 triệu đồng, tôi chuẩn bị phải đóng thêm 25 triệu đồng viện phí”.

Hoàn cảnh gia đình anh Thanh rất khó khăn, không có đất sản xuất. Hằng ngày, chị Huệ làm rau câu đi bán dạo tại các khu dân cư trong xã Phước An. Cả gia đình sống trong căn nhà tình thương được xây dựng cách đây mấy năm. Do gia cảnh khó khăn, con gái lớn của anh chị phải nghỉ học sớm để phụ cha mẹ nấu cơm, chăm em.

Để có tiền cho chồng điều trị tại bệnh viện, những ngày này chị Huệ chi tiêu rất tiết kiệm. “Tôi canh tới giờ xuống cổng bệnh viện để xin cơm, xin cháo từ thiện. Tôi phải giữ gìn sức khỏe, ráng tiết kiệm để còn lo cho chồng. Tôi sẽ cố gắng hết sức, chỉ mong anh khỏe mạnh về với vợ con” - chị Huệ chia sẻ.

Anh Thanh đang được điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình anh Thanh rất mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và cộng đồng để vượt qua khó khăn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Thị Huệ, tổ 3, ấp 23 Lớn, xã Phước An, huyện Hớn Quản; ĐT: 01628123575.

N.An trích nguồn Báo Bình Phước

Vợ bỏng, chồng nghèo cầu cứu

 Đó là trường hợp của bà Phạm Thị Lý (65 tuổi), ngụ khu phố 2, phường Long Phước, thị xã Phước Long. Trong một lần nấu ăn, bệnh động kinh tái phát nên bà ngã vào chảo dầu đang sôi, bị bỏng 2 tay và ngực. Do không có tiền để đến bệnh viện điều trị nên 2 tay bà bị hoại tử, đến khi nhập viện tại Bệnh viện Thánh Tâm (Đồng Xoài) các bác sĩ phải cắt da ở 2 đùi để cấy vào tay. Không có bảo hiểm y tế, viện phí trong 7 ngày điều trị đã gần 20 triệu đồng, chưa tính chi phí thuốc, ăn uống của bà khoảng 500 ngàn đồng/ngày. Hoàn cảnh nhà bà Lý rất khó khăn, gia đình không nhà, không đất, phải đi ở trọ nhiều năm nay. Chồng bà - ông Võ Quang Minh (63 tuổi), hằng ngày đi bán vé số dạo nuôi vợ, con gái (23 tuổi) cũng bị bệnh động kinh, cùng 2 cháu ngoại (đứa 2 tuổi, đứa 4 tuổi). Thu nhập mỗi ngày của ông khoảng 150-200 ngàn đồng, chỉ đủ sinh hoạt tiết kiệm cho cả nhà nên khi bà Lý nhập viện, gia đình càng khó khăn hơn.

Ông Minh phải nghỉ bán vé số để chăm sóc vợ đang điều trị tại Bệnh viện Thánh Tâm

Ông Minh cho biết: “Vợ tôi bị bệnh động kinh từ hồi trẻ, sau khi sinh con gái thì bệnh càng nặng hơn, phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 ở Biên Hòa (Đồng Nai). Trước đây, tôi đã phải thế chấp nhà vay ngân hàng để lấy tiền chữa bệnh cho vợ, nợ nần nhiều nhưng bệnh chỉ thuyên giảm chứ chưa khỏi hẳn, thỉnh thoảng bà ấy lại lên cơn co giật, động kinh. Nay bà ấy phải nhập viện điều trị, tiền thuốc đều vay mượn của người quen, hàng xóm. Sau này gia đình tôi không biết phải xoay xở ra sao?”.

Ông Minh thở dài: “Là trụ cột gia đình, giờ tôi phải ở bệnh viện chăm sóc bà ấy, không thể đi bán vé số kiếm tiền. Vợ đau bệnh, con lớn mà chẳng khôn, các cháu nhỏ dại!”. Nói rồi ông quay vội mặt đi, lau nước mắt.

Gia đình ông Minh hiện rất khó khăn, cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng xã hội để vượt qua hoàn cảnh éo le.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Võ Quang Minh, khu phố 2, phường Long Phước, thị xã Phước Long.

N.An trích nguồn Báo Bình Phước

 

Mong được giúp để “viết” tiếp ước mơ

Em Nguyễn Văn Tiến (SN 1999, khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh), 3 năm học ở Trường THPT Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh đều đạt hạnh kiểm tốt, học lực tiên tiến. Đặc biệt Tiến rất đam mê môn Công nghệ, với điểm trung bình hằng năm đạt từ 8,5 đến 9. Năm học lớp 12, em còn đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Công nghệ.

2 năm trước, kinh tế gia đình Tiến tạm ổn, ba đi làm phụ hồ, mẹ làm thuê. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn khi ba em không may bị tai nạn vào giữa năm 2016, bị đứt dây chằng ở chân phải điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống càng chật vật hơn khi đầu năm 2017, ba của Tiến bị ung thư thực quản giai đoạn cuối. Thời gian ba đi điều trị bệnh cũng là lúc Tiến bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Nhiều khi bữa trưa chỉ có gói mì lót dạ để đến trường nhưng em không nản chí, cố gắng ôn luyện bài vở mong đổi đời từ con đường đèn sách.

Em Nguyễn Văn Tiến (thứ hai từ trái qua)

Kết quả đáng mừng là Tiến đã đậu Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh ngành Cơ điện lạnh và Trường cao đẳng Cao Thắng TP. Hồ Chí Minh ngành Sửa chữa ôtô. Tiến cho biết: “Ngay từ nhỏ, em rất thích tìm tòi sửa chữa các thiết bị điện. Năm học lớp 3 em đạt giải tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp huyện, những năm sau đó do điều kiện gia đình khó khăn nên em không đầu tư để tham gia cuộc thi nữa”. Ông Nguyễn Văn Thu, ba của Tiến kể: “Những thiết bị trong nhà liên quan đến điện nếu bị hư hỏng đều do Tiến tự tay sửa chữa. Những lúc rảnh Tiến còn đi phụ giúp sửa chữa đồ điện tại một số tiệm đồ điện ở chợ Lộc Ninh. Biết Tiến sửa được đồ điện nên nhiều người thân quen cũng đem đến cho Tiến “làm giùm” khi thì nồi cơm điện hay quạt bị hỏng”.

Khi được hỏi về việc theo đuổi ước mơ của mình, Tiến nói: “Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó không đủ điều kiện theo học đại học nên em chọn học Trường cao đẳng Cao Thắng để vừa học vừa vững tay nghề sửa chữa ôtô”. Những ngày này khi chưa nhập học (ngày 25-9-2017 nhập học) Tiến phụ việc tại gara Dũng ở xã Lộc Thái. Tuy không có lương nhưng với Tiến đây là môi trường để em trải nghiệm thực tế công việc mình yêu thích. Khó khăn nhất của em hiện nay là chưa có tiền đóng học phí. Cô Nguyễn Thị Huệ, Hiệu phó Trường THPT Lộc Ninh cho biết: Với hoàn cảnh của học sinh Nguyễn Văn Tiến, trường đã xét từ nguồn Quỹ “Tiếp sức đến trường” tặng học bổng cho em trị giá 3 triệu đồng, đồng thời kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của giáo viên, học sinh và các nhà hảo tâm giúp em tiếp bước đến giảng đường”.

Gia đình Tiến là hộ nghèo, ba thường xuyên phải đi bệnh viện nên tốn kém, trong khi mẹ làm lao động tự do, chị gái làm công nhân thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải phí sinh hoạt và điều trị. Em Nguyễn Văn Tiến đang rất cần sự quan tâm, sẻ chia của các nhà hảo tâm gần xa để thực hiện ước mơ của mình.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Văn Tiến, khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh.

N.An trích nguồn Báo Bình Phước

Cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng

Đời người có thăng, có trầm nhưng với bà Hoàng Thị Huệ ở xóm 3, ấp Suối Cam, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) thì cái khổ vận vào bà từ khi sinh ra đến tận hôm nay. Ở tuổi 56 bà vẫn chưa thoát cảnh nghèo khổ.

Gia đình bà Hoàng Thị Huệ rất cần được giúp đỡ

CHUỖI NGÀY BUỒN KHỔ

56 năm qua, nghèo khổ vẫn “đeo bám” cuộc đời bà Hoàng Thị Huệ. Dù chừng đó năm bà luôn bươn chải, xoay đủ cách để vươn lên. Bà Huệ đang mắc bệnh hoại tử đại tràng, đã phẫu thuật đưa hậu môn ra bên hông nên phải nằm một chỗ. Không có tiền phẫu thuật lại nên bà đành chịu đựng những cơn đau hành hạ. “Trước đây, tôi chưa bao giờ biết nghỉ ngơi, lại càng không biết đến viên thuốc. Vậy mà khi đổ bệnh lại “vật” tôi suy sụp đến thế. “An dưỡng” từ đầu năm đến giờ, nhưng tôi sợ, chỉ ước ao được đi lại như trước. Tôi vốn là trụ cột gia đình, giờ nằm đây thành cột mục mất rồi...” - bà Huệ than thở.

 

Bà Huệ theo người bà con vào Bình Phước khi còn rất nhỏ. Sau đó, bà đi lạc, mất hết giấy tờ nên xin ở luôn trong một gia đình từ Quảng Bình vào lập nghiệp. Ông bà chủ thương tình cho bà ở nhờ, cùng họ lao động kiếm cơm ăn qua ngày...

Đến năm 1984, thương bà Huệ cần cù, chịu khó nên họ gán ghép bà cho con trai là ông Nguyễn Xuân Hiếu (cùng tuổi) nên duyên vợ chồng và cho ra ở riêng. Biết ông Hiếu “khờ khờ” nhưng với hoàn cảnh không may mắn, bà đành chấp nhận để có người nương tựa về sau. Có 1 sào đất “cắm dùi” của ba mẹ chồng cho nhưng đông con và tới 3 đứa “có lớn mà không có khôn” nên ông bà lam lũ quanh năm vẫn không cất nổi căn nhà. Năm 2003, chính quyền xã Tiến Thành xây cho gia đình bà căn nhà tình thương. Đến nay, căn nhà xuống cấp, mái hỏng nhiều chỗ khiến họ luôn phải co cụm lại tìm chỗ trú mỗi khi trời mưa.

Con trai đầu Nguyễn Quang Trung (31 tuổi) đã lập gia đình riêng và mưu sinh ở xa. Cuộc sống công nhân khó khăn nên ít giúp đỡ được cha mẹ. Cậu út Nguyễn Anh Tuấn (2001) học tại Trường cao đẳng công nghiệp cao su đang nguy cơ thất học nếu bệnh tình mẹ ngày càng nặng. Con gái Nguyễn Thị Hòa, tuy 27 tuổi, “khôn” hơn 2 cô em là biết thay bỉm, tã cho mẹ; cắm được nồi cơm điện nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, xe đạp không biết đi. Đặc biệt, 2 chị em song sinh Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Phước đã sang tuổi 20 nhưng vẫn như đứa trẻ lên 7, không thể đỡ đần cha mẹ việc gì.

NƯƠNG NHỜ NHỮNG TẤM LÒNG HẢO TÂM

Giờ thành trụ cột thay vợ nhưng hằng ngày cần mẫn đi lượm ve chai, ông Hiếu cũng chỉ kiếm được 30-40 ngàn đồng. Thỉnh thoảng vợ chồng anh Trung dành dụm cũng chỉ giúp ba mẹ được bao gạo, chai nước tương.

Cuối tháng 8 vừa qua, biết hoàn cảnh đáng thương của bà Huệ, Hội Bảo trợ, người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo phối hợp với nhiều nhà hảo tâm, Câu lạc bộ “Hạt gạo ấm lòng” và lãnh đạo xã Tiến Thành quyên góp được 138 triệu đồng, giúp gia đình bà Huệ phần nào bớt khốn khó. Nhận thấy sức khỏe đã quá yếu, không cáng đáng nổi việc nặng nhọc, làm thuê nên theo đề nghị, gia đình bà được UBMTTQVN xã Tiến Thành mua giúp một cặp bò gây vốn từ số tiền quyên góp. Số tiền còn lại gửi tiết kiệm để giúp bà có điều kiện sửa nhà và chữa bệnh.

Hiện gia đình bà Huệ rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Rất mong các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện gần, xa tiếp tục chung tay giúp đỡ để không chỉ bà Huệ có cơ hội chữa lành bệnh mà cậu con út Nguyễn Anh Tuấn được tiếp tục đi học, có nghề nghiệp sau này làm chỗ dựa cho ba mẹ và 3 người chị.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Bà Hoàng Thị Huệ, xóm 3, ấp Suối Cam, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài hoặc Quỹ tấm lòng vàng Báo Bình Phước, tài khoản số 65510000110461, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Bình Phước.

N.An trích nguồn Báo Bình Phước

“Họa vô đơn chí” ở một gia đình

Con trai bị tai nạn liệt toàn thân, chồng bị tai biến cũng nằm liệt giường. Đó là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở khu phố Phước Tân, phường Tân Thiện (Đồng Xoài).

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà người em họ cho mượn để ở, bà Nguyễn Thị Nhung rơm rớm nước mắt. Hoàn cảnh trớ trêu đã ập xuống gia đình bà cách đây 8 năm. Lúc đó, con bà là Đặng Thanh Phong bị tai nạn, bất tỉnh, toàn thân đa chấn thương. Bao nhiêu tài sản (nhà cửa, đất đai) bà Nhung đã bán hết để lo cho con những mong “còn người còn của”. Nhưng không may, Phong không thể hồi phục. Anh bị chấn thương đốt sống cổ dẫn đến liệt toàn thân. Lâu dần đôi chân của anh bị rút lên, không thể duỗi thẳng, trên người lúc nào cũng mang theo ống dẫn tiểu.

 

Ông Đức bị tai biến 2 năm, bà Nhung hằng ngày chăm sóc chồng, con bị liệt nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn

 

Vì bị liệt toàn thân nên mọi sinh hoạt của Phong đều nhờ vào mẹ. Bà Nhung luôn túc trực chăm sóc, an ủi con. Bị những cơn đau hành hạ, hầu như ngày nào Phong cũng phải uống thuốc giảm đau. Có ngày anh uống 2-3 lần nên thân thể càng yếu ớt, tiều tụy. Nhìn con như vậy, lòng bà Nhung quặn thắt. Hằng ngày, bà cố gắng lo cho con ăn uống, vệ sinh sạch sẽ để có thêm sức đề kháng. Nhờ tấm lòng của mẹ nên dù nằm liệt giường đã 8 năm nhưng nơi Phong ở không bốc mùi hôi tanh.

Phong bị tai nạn, cuộc sống gia đình thiếu thốn cơ cực. Năm 2015, nỗi bất hạnh một lần nữa đè nặng gia đình bà Nhung. Chồng bà, ông Đăng Văn Đức đang khỏe mạnh thì bị tai biến mạch máu não. Ông ngã quỵ tại sân nhà, may bà phát hiện đưa đi bệnh viện. Nhưng vì kinh tế khó khăn, bà lại đưa ông về nhà để tiện chăm sóc. Một mình lo cơm nước, vệ sinh cho chồng, con nên bà Nhung không làm được việc gì kiếm ra tiền. Thuốc thang cho cha con Phong đều nhờ vào sự hảo tâm của một vài phật tử ở thị xã Đồng Xoài. “Lâu lâu những người hảo tâm ghé cho gạo, muối và hỗ trợ ít tiền mua thuốc cho cha con nó, tôi cũng thấy an ủi trong lòng” - bà Nhung nghẹn ngào.

Phong bị liệt toàn thân đã hơn 8 năm

Do nằm liệt lâu ngày, trên người ông Đức đã xuất hiện nhiều vết hoại tử. Trí nhớ ông giảm sút, cả ngày chỉ nằm trên chiếc ghế bố và lấy chăn trùm kín toàn thân. Một tay chăm sóc chồng con bị bại liệt, bà Nhung cố giữ vững tinh thần để làm chỗ dựa cho cha con Phong. Nhìn mẹ vất vả, Phong rất đau lòng. Anh kể: Một ngày cuối năm 2009, em tăng ca đêm để trộn bê tông cho kịp công trình. Lúc tan ca đi về gần tới khu trạm điện, thuộc phường Tân Bình thì em bị té xuống hố sâu khoảng 3m. Chiếc xe honda rơi xuống đè lên người khiến em bất tỉnh. Gia đình đưa xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) chữa trị và em bị liệt toàn thân từ đó đến nay.

Bao nhiêu dự định tuổi trẻ, ước mơ về một mái ấm của riêng mình cũng tắt lịm, Phong khuyên người yêu đi lấy chồng. Ước mong lớn nhất của Phong lúc này là có thể hồi phục đôi tay, để vần bánh xe lăn và tự mình vệ sinh cá nhân. “Em biết chân mình đã rút lên cao, không thể duỗi thẳng trở lại. Biết chắc không thể có “phép màu” nên em chỉ ước hồi phục đôi tay - chỉ đôi tay thôi cũng được!” - Phong khao khát.

Gia đình Phong rất cần sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân từ thiện. Sự giúp đỡ về tinh thần, tài chính là món quà thiết thực nhất mà gia đình Phong mong muốn nhận được để có thêm điều kiện vượt qua những ngày tháng khó khăn này!

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Đặng Thanh Phong, tổ 2, khu phố Phước Tân, phường Tân Thiện (Đồng Xoài), ĐT: 01665160040.

N. An trích nguồn Báo Bình Phước 

 Bep com 200

Quảng bá

inhandao

thu-tuc-hanh-chinh

bacho 

cong-bao 1242871692046

Liên kết website

Thống kế truy cập

3819329
Trong ngày
Hôm qua
Trong tuần
Trong tháng
Tổng
104
726
5098
20883
3819329